Lời của đồ vật cũ

THANH LÝ ĐỒ CŨ 24
Lời của đồ vật cũ
Ngày đăng: 21/10/2019 08:52 PM

Lời của đồ vật cũ

 

     Thế giới và ký ức chúng ta, nghĩ cho cùng, ngổn ngang đồ vật. Người đắm đuối hàng hiệu, say mê đồ mới đông không kể xiết. Và với một niềm yêu tương tự, không ít người tìm về... đồ cũ, những đồ vật chứa đựng những câu chuyện của ngày hôm qua, mà họ thấy mình trong đó. Một món đồ tưởng vô giá trị với người này hóa ra là báu vật với người kia.

 

 

 1. Đồ cũ tìm chủ mới

 

     Đó là lý do để bỗng dưng có nhiều phiên chợ mở ra bán, mua đồ cũ, cho những người rước một món đồ cũ về nhà, chỉ mình biết vì sao. Hà Nội có nhiều phiên chợ chỉ để bán đồ cũ, chẳng hạn chợ phiên đồ cũ ở ngõ 456, đường Hoàng Hoa Thám (quận Ba Đình). Chợ nằm gọn trong khuôn viên cà-phê vườn Lư trà quán, rộng chừng 500 m² với hơn 20 gian hàng. Ở đó bày đủ thứ đồ dùng thuộc về ký ức đã ngả mầu thời gian.

 

     Trong số đó, có rất nhiều thứ không thể sử dụng, hoàn toàn đã lùi sâu vào quá khứ nhưng sự xuất hiện của nó khiến người già thì bồi hồi, xúc động; còn người trẻ thì ngỡ ngàng, thích thú.

 

     Đặc biệt, những món đồ gắn bó với thời kỳ chiến tranh của dân tộc từ chiếc đèn dầu, chiếc bi-đông đựng nước, chiếc thắt lưng cùng những bộ quân phục cho đến các loại súng, bộ đàm, vỏ đạn… khiến nhiều người nhớ về một thời gian khó đã qua. “Xem đồ đi anh, quạt trần và đồng hồ bàn cổ của Pháp, Italia đấy. Gin đến từng con ốc, giá rẻ thôi, hai triệu đồng/cái…”, anh bán hàng mời khách.

 

     Chợ đồ cũ chủ yếu bán những món đồ với người này không còn giá trị sử dụng nhưng với người khác thì vô giá. Khi người chủ cũ không còn dùng được món đồ của mình, hoặc không thích dùng nữa thì tìm cho nó một người chủ mới, chứ vứt đi thì lãng phí lắm, đấy là lời một anh bán hàng.

 

     Hầu hết người bán, người mua ở đây đều có chung một suy nghĩ, là biết đâu, đến lúc nào đấy, món đồ của mình sẽ có “cơ duyên” gặp gỡ những đồ khác, thuộc “họ hàng” bị lạc nhau lâu ngày. Và khi ấy, giá trị của những món đồ mới thật sự thăng hoa.

 

     Đến chợ đồ cũ, người ta có thể tìm thấy đủ loại mặt hàng, vật dụng đã tồn tại một thời trong lịch sử. Điểm khác biệt giữa những món đồ này chính là giá trị lịch sử và lý lịch riêng của nó. Theo các tay chơi hàng “độc”, muốn đánh giá một món hàng phải dựa vào niên đại, số lượng, những thông tin liên quan tới nó. Đồ càng lâu năm, số lượng càng ít, chủ sở hữu là những nhân vật “quan trọng” thì càng có giá. Vì thế, hàng ở chợ đồ cũ không thể định giá hàng loạt.

 

 

 2. “Quý vật tầm quý nhân”

 

     Anh Nguyễn Văn Hải kinh doanh thiết bị điện, nhưng anh có sở thích đến chợ đồ cũ ngắm nghía những dấu ấn của lịch sử. Trước là thỏa đam mê, sau là phục vụ công việc. Những chiếc đèn bàn, đèn ngủ thời Pháp hư cũ, qua tay anh mày mò đã có thể sử dụng được. Lâu lâu săn lùng được cái nào còn mới nguyên là mừng như “bắt” được vàng.

 

     Ngoài đèn, anh còn mê đồ gỗ, đi đâu thấy đồ gỗ sắp hư bị người ta vứt bỏ là mang về, chế biến đủ kiểu sao cho hợp với đèn. Làm được bộ nào ưng ý, anh chụp hình mang khoe với bạn. Anh nhận mình chỉ chơi cho vui, nhưng nếu không đam mê, anh không thể chơi được như thế.

 

     Không chỉ đồ vật, quần áo anh cũng sưu tầm. Từ chiếc quần bộ đội, đôi dép cao-su đến chiếc huy hiệu mang ảnh Bác Hồ, chiếc mũ kê-pi, bộ quần soóc và áo của lính lê dương… đều được anh cẩn thận cất giữ.

 

     Thỉnh thoảng, anh lại lấy ra diện bộ và leng keng cùng tiếng chuông xe đạp xuống phố. Không ít người ngoái lại nhìn. Người lạ lẫm, người mỉm cười, người ngờ ngợ như thấy một phần ký ức thoáng vụt qua như thước phim trôi nhanh.

 

     Hơn 20 năm chơi và sưu tầm đồ cũ, hiện tại anh Hải đã có hàng nghìn món đồ nhưng mỗi món lại gắn một kỷ niệm khác nhau. Nhấp hớp trà, anh trầm ngâm nhớ lại quá trình sưu tầm bộ tủ thờ có niên đại vài trăm năm, lúc đó, anh vô tình biết được một gia đình bên Đông Anh (Hà Nội) đang bán các vật dụng trong nhà để qua nước ngoài định cư nên tìm đến mua.

 

     Họ kêu bán chiếc tủ và bộ đồ thờ nhưng đã có người đặt. Nhìn kỹ anh biết bộ đồ thờ bằng đồng có từ thời triều Nguyễn nên năn nỉ và nói rõ mua về chơi chứ không bán nhưng họ vẫn không đồng ý. Ngày hôm sau anh lại đến nhưng vẫn nhận được cái lắc đầu.

 

     Không nản, anh đến nhà họ một tuần nài nỉ. Cuối cùng, sự nhiệt tình và chân thật của anh cũng khiến họ gật đầu để lại. “Ngày ấy, mình đam mê nó đến kỳ lạ nên nhìn thấy món đồ gì thích là cố mua cho bằng được”, anh bồi hồi.

 

     Nhớ những ngày đầu sưu tập, số tiền anh tích cóp được từ công việc làm thuê đều dành dụm để vun đắp cho sở thích kỳ quặc của mình. Lúc đầu, vợ anh không ưa vì toàn tha mấy thứ đồ cũ kỹ, có cái sứt mẻ cũng mang về trưng bày trong nhà, vừa chật chỗ vừa chả có tác dụng gì.

 

     Mãi sau thành quen, vợ lại tôn trọng sở thích, đam mê của chồng, anh tâm sự. “Đồ cũng như người, không phải tiếp xúc một ngày, một buổi mà có thể hiểu hết được. Nhưng có yêu thì mới thấy đẹp. Tôi chơi đồ cũ cũng gọi là lâu, thấy cái tình trong đó khó so được với những thú vui khác”.

 

 

 3. Gìn giữ giá trị xưa

 

     Chơi có bạn bao giờ cũng vui hơn chơi một mình, nên đối với dân sưu tầm cổ vật, những chợ đồ cũ hiện nay trên địa bàn thành phố là một địa điểm lý tưởng. Họ đến đó như một thói quen, dù biết không có đồ để mua, chưa có gì mới để xem hoặc không đủ tiền mua, nhưng nếu không ra lại thấy nhớ.

 

     Trong số đó, có những người đã về ở ẩn ngoài những vùng xa trung tâm thành phố, nhưng hàng tuần đều đặn đến đây, cùng bạn bè tán gẫu dăm ba câu chuyện vãn về thú chơi đồ cũ. Bác Nguyễn Minh An, Yên Phụ, Hà Nội cho hay: “Nhìn chiếc bàn là, rồi cái đèn dầu, cái bát sắt… khiến tôi nhớ lại một thời khó khăn của gia đình mình cũng như các gia đình Hà Nội thời bấy giờ. Cháu tôi sẽ ngạc nhiên và chắc hẳn xa lạ với những thứ đồ này, nhưng với tôi, nó chính là kỷ niệm”.

 

     Cuộc sống vội vã trôi qua hằng ngày khiến nhiều lúc người ta giật mình khi bắt gặp đâu đó những kỷ vật cũ kỹ của một thời lại được trân trọng lưu giữ. Bản thân đồ vật không biết nói, nhưng nhiều lúc nó lại nói lên biết bao điều về những chuyện đã qua.

 

     Bên chén trà mạn, ván cờ, câu chuyện về những món đồ cũ không bao giờ cạn với đủ thể loại đề tài từ nam ra bắc, từ đông sang tây… đến những chuyện không hay về buôn bán đồ cổ như một thời chuyện chảy máu cổ vật đã từng xảy ra. Chuyện đồ cũ - mới, thật - giả lẫn lộn cũng không hiếm.

 

 

     Ngồi nghe mấy cụ cao niên, đàm luận chuyện đồ cổ mới hiểu, một phần đời sống đã đi qua mà nét thời gian còn đọng lại trong những món đồ đã cũ, những câu chuyện của một thời quá vãng còn đâu đây.

Chia sẻ:
Bài viết khác:
0
Zalo
Hotline